Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ
Thực hiện Quyết định số 842/QĐ-585 ngày 14/4/2020 của Ban Quản lý Chương trình 585 về việc lựa chọn cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện hoạt động năm 2020, ngày 28/5/2020, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (CLB) đã tổ chức 01 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp với chuyên đề: “Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm khi ký kết hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại” tại Cần Thơ
Tham dự lớp bồi dưỡng gồm có các cán bộ pháp chế doanh nghiệp, đại diện các hiệp hôi doanh nghiệp, luật sư, luật gia trên địa bàn TP. Cần Thơ và một số tỉnh lân cận.
Tại lớp bồi dưỡng, 02 chuyên gia là: Luật sư Nguyễn Duy Lãm – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp và PGS.TS Bùi Thị Huyền, Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội đã trao đổi về các nội dung chính như: Một số kỹ năng, nghiệp vụ công tác pháp chế doanh nghiệp; những kiến thức pháp luật chung về công tác pháp chế doanh nghiệp; hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định; Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm khi ký kết hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại; nhưng nội dung doanh nghiệp cần lưu ý khi ký kết hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại, trong đó đặc biệt lưu ý về các vấn đề: chủ thể ký kết hợp đồng, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng; nội dung, hình thức của hợp đồng, thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng; giao kết, hủy bỏ hợp đồng; lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh.
Ngoài các nội dung về lý thuyết, chuyên gia cũng đưa ra các tình huống thực tiễn, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp thường gặp trong quá trình soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng. Các doanh nghiệp cũng tập trung thảo luận về các tình huống thực tiễn doanh nghiệp mình gặp phải như: những tranh chấp về điều khoản thanh toán, điều kiện bất khả kháng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có vi phạm để chuyên gia trao đổi, thảo luận.
Cá nhân, tổ chức quan tâm có thể tải file tài liệu đính kèm để tham khảo.
Phạm Nguyệt Hằng