Kế hoạch điều chỉnh các nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 tiếp tục tập trung vào các nhóm nhiệm vụ theo trách nhiệm được giao tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ[1], Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ[2]. Đó là triển khai các hoạt động cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật thông qua các hình thức diễn đàn, đối thoại, ứng dụng công nghệ thông tin.
Kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” năm 2024 được phê duyệt tại Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ[3] tập trung vào các nhóm nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động kiểm tra, khảo sát, đánh giá; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin và rà soát văn bản, thể chế nhằm khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp luật cho doanh nghiệp, tập trung nguồn lực cho việc tổng kết, nghiên cứu, đề xuất, thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP…
Cùng ngày ban hành các Kế hoạch nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Công văn số 2980/BTP-PBGDPL ngày 30/5/2024 hướng dẫn, chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ[4]. Theo đó đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và các địa phương ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo yêu cầu tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, Quyết định số 81/QĐ-TTg và Quyết định số 345/QĐ-TTg; đổi mới các hoạt động theo hướng bám sát tình hình thực tiễn, các khó khăn, vướng mắc và nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; tiếp tục đánh giá, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất phương hướng khắc phục, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; kiến nghị, đề xuất tiêu chuẩn, điều kiện, cơ chế nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật; rà soát, tổng hợp các vụ việc, vướng mắc pháp lý, kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nắm bắt và đánh giá các vấn đề, nội dung mà doanh nghiệp quan tâm, có nhu cầu hỗ trợ pháp lý trong quá trình áp dụng, thực thi pháp luật thuộc phạm vi quản lý…
Để triển khai Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ về đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp tạo tác động xã hội, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan, tổ chức, địa phương trong phạm vi quản lý tăng cường thông tin, phổ biến, truyền thông về mục đích, ý nghĩa, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp tạo tác động xã hội.
Đối với một số đạo luật có tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng) và một số dự án Luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 7, thứ 8 (Luật Bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản...), trong Kế hoạch triển khai thi hành luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và chủ động triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ sớm, từ xa, kịp thời cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp trong áp dụng, thực thi các luật, chú trọng đẩy mạnh truyền thông, phổ biến trước thời điểm các luật này có hiệu lực thi hành...