Ngày 20/9/2019, tại Hội trường Nhà khách Người có công, số 168 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật tổ chức lớp bồi dưỡng pháp luật kinh doanh chuyên đề: "Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự".
Lớp bồi dưỡng với sự giảng dạy của ThS. Luật sư, Trọng tài viên Vũ Xuân Hưng – Phó Trưởng phòng Pháp chế - Trọng tài VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Phó Phòng cấp C/O) đã cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các đại phương lân cận với các nội dung:
- Khái quát về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng:
+ Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam;
+ Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong mối tương quan giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 với các Luật khác.
- Điều kiện đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng;
- Nghĩa vụ thông báo của bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng;
- Hậu quả của đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng;
- Phân biệt đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng với hủy bỏ hợp đồng;
- Các tình huống thực tiễn, trao đổi, giải đáp vướng mắc.
Lớp bồi dưỡng có sự tham gia của 105 đại biểu, không khí lớp bồi dưỡng luôn diễn ra sôi nổi với hàng loạt các câu hỏi thực tiễn đề nghị giảng viên giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp.
Một số câu hỏi tiêu biểu như sau:
Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng có nghĩa vụ phải thông báo cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng. Việc thông báo này có nhất định phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hay không?
BLDS 2015 có rất nhiều quy định về thông báo tại phần nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự. Như bên chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Đến điều luật về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, quy định về thông báo cũng ghi nhận bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Điều luật này cũng tương tự với quy định về nghĩa vụ thông báo trong BLDS 1995 và 2005.
Theo Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, khoản 4 Điều 1.10 PICC nêu rõ, thuật ngữ “thông báo” cũng áp dụng với lời tuyên bố, lời đề nghị, lời yêu cầu hay bất kỳ một trao đổi thông tin có ý chí nào khác.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 428 BLDS 2015, pháp luật không có quy định cụ thể nên có thể hiểu rằng, thông báo có thể thể hiện dưới dạng lời nói, văn bản hay bất kỳ hình thức thể hiện nào khác. Tuy nhiên, với một thông báo bằng văn bản thì việc chứng minh tồn tại thông báo dễ thực hiện hơn một thông báo bằng lời nói.
Liên quan đến nghĩa vụ thông báo khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, việc thông báo này có bắt buộc phải thực hiện hay không? Vì theo quy định thì chỉ quy định nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trong khi việc thông báo này được đánh giá là có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với bên bị đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 428 BLDS 2015 chỉ quy định không thông báo ngay mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. Việc không thông báo như vậy dẫn đến hậu quả mất quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hay chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường, điều này không được giải thích cụ thể. Thực tế, khi giải quyết yêu cầu về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, các Tòa án Việt Nam không đi vào xem xét sự tồn tại của thủ tục thông báo mà chỉ tập trung làm rõ có các căn cứ để hủy bỏ hợp đồng hay không để sau đó áp dụng biện pháp này.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay vẫn tồn tại hai quan điểm khác nhau về thủ tục thông báo, quan điểm thứ nhất cho rằng việc thông báo không là thủ tục bắt buộc và quan điểm thứ hai thì ngược lại với quan điểm thứ nhất khi cho rằng thông báo phải được xem là một thủ tục bắt buộc.
Theo Điều 26 CISG, thông báo là thủ tục bắt buộc bởi một lời tuyên bố về việc hủy hợp đồng chỉ có hiệu lực nếu được thông báo cho bên kia biết. Điều 3.20 PICC về tuyên bố đơn phương theo hướng một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bằng cách thông báo cho bên kia. Mặc dù Điều 7.3.2 PICC là quy định về hủy bỏ hợp đồng bên có quyền mất quyền hủy bỏ hợp đồng nếu không thông báo trong một thời gian hợp lý kể từ khi họ đã biết hoặc lẽ ra phải biết về việc không thực hiện của bên kia, cũng tương tự với việc thông báo trong đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Điều kiện về thông báo sẽ giúp bên có nghĩa vụ tránh được tất cả các thiệt hại do không biết là bên có quyền có chấp nhận thực hiện hay không và ngăn không cho bên có quyền lợi dụng tăng hay giảm giá trị của việc thực hiện làm phương hại đến người có nghĩa vụ.
Một trong ba căn cứ làm phát sinh quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng là sự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng. Vậy thế nào thì được xem là vi phạm nghiêm trọng?
Trên thực tế, việc xác định vi phạm nghiêm trọng còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan, năng lực, kinh nghiệm của chủ thể áp dụng pháp luật, khiến cho việc giải quyết các tranh chấp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng do có vi phạm không được thống nhất.
Đơn cử một ví dụ như bên A ký hợp đồng với bên B việc bán hàng nông sản gồm 4 đợt. Hợp đồng quy định rõ bên mua thanh toán định kỳ cho bên bán sau mỗi lần giao hàng. Thực hiện hợp đồng, bên mua đã thanh toán đủ 3 lần giao hàng đầu tiên nhưng lần sau cùng bên mua không thanh toán đầy đủ cho bên bán. BLDS không có quy định việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng cho vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua bán. Theo BLDS, vi phạm nghiêm trọng được xác định vào mục đích của việc giao kết, dựa vào định tính, không căn cứ vào định lượng. Vậy nếu mục đích của bên bán là được thanh toán đầy đủ, việc bên mua không thực hiện được 1/4 nghĩa vụ của mình được xem là vi phạm nghiêm trọng? Khái niệm được quy định trong BLDS sẽ khó xác định được vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng giữa các bên.
Theo BLDS 2015, căn cứ vi phạm nghiêm trọng để một bên thực hiện quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng chỉ đặt ra khi có vi phạm xảy ra trên thực tế. Do đó, thời điểm xác định vi phạm là thời điểm nghĩa vụ không được thực hiện khi đến hạn. Ngược lại, vi phạm trước khi đến hạn là một loại vi phạm mang tính giả thuyết nên việc xác định vi phạm trở nên khó khăn hơn nhiều và thời điểm để đặt vấn đề có xảy ra vi phạm hay không cũng trở nên phức tạp hơn. BLDS 2015 được xây dựng khá chặt chẽ khi tiên liệu được vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trước khi đến hạn tại thực hiện hợp đồng song vụ, quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ và nghĩa vụ không thực hiện được do lỗi của bên kia. Qua quy định này có thể cho thấy BLDS đã có biện pháp bảo vệ một bên trong hợp đồng ngay khi chưa đến hạn thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc hoãn thực hiện nghĩa vụ thì liệu có bảo vệ triệt để lợi ích hợp pháp của một bên? Bởi khi một bên có nguy cơ không thực hiện đúng hợp đồng thì bên kia chỉ được quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình và phải chờ đến khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mới có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng?
Về vấn đề này, sẽ là bất hợp lý khi không cho phép một bên hủy hay chấm dứt hợp đồng trong khi biết chắc là bên kia sẽ không thực hiện hợp đồng nếu đến hạn thực hiện hợp đồng. Mặt khác, sẽ có lợi về kinh tế khi cho phép một bên hủy hay đình chỉ hợp đồng trong trường hợp bên kia sẽ vi phạm hợp đồng. Ví dụ, nếu cho phép bên mua hủy hợp đồng khi biết chắc là bên bán sẽ vi phạm hợp đồng, chúng ta sẽ giúp người mua sớm đi tìm người bán khác để có được số lượng hàng cần mua nhằm đáp ứng được nhu cầu của mình. Hoặc khi biết chắc rằng bên mua sẽ không nhận hàng và không trả tiền, cho phép người bán hủy hợp đồng sẽ giúp họ sớm tìm được đối tác tiêu thụ mới hoặc quyết định không tiếp tục sản xuất nữa để tránh bị tồn đọng thừa hàng.
Pháp luật nước ta đã gián tiếp ngăn cản các bên trong quan hệ hợp đồng áp dụng một trong các biện pháp hợp lý để ngăn ngừa thiệt hại đó là đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trước thời hạn. Khi một bên có cơ sở để nghi ngờ phía bên kia sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình trước hạn, nhưng không thể sử dụng quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nên sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn, dẫn đến quyền lợi của bên bị thiệt hại không thỏa đáng.
Trong thực tế, có nhiều trường hợp một bên có căn cứ rõ ràng về nguy cơ vi phạm hợp đồng khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ. Đơn cử một vụ việc đã từng xảy ra, Công ty A và Công ty B có ký Hợp đồng kinh tế ngày 28/8/2003. Theo đó, Công ty B bán cho Công ty A 300 tấn giấy Kraft và thời hạn giao hàng trong vòng 2 tháng kể từ ngày 15/4/2004. Ngày 20/4/2004, hai bên tiến hành giao hàng với khối lượng là 25,367 tấn. Ngày 17/5/2004, Công ty B có Công văn yêu cầu Công ty A phải có kế hoạch tiêu thụ hết số giấy trên. Ngày 20/5/2004, công ty A phúc đáp nêu khó khăn, không có điều kiện tiêu thụ hết số giấy mà hai bên đã cam kết. Trước đó, ngày 19/5/2004, Công ty B đã ký hợp đồng với công ty C bán lô giấy mà công ty phải bán cho công ty A. Ngày 20/5/2004, hai bên tiến hành giao hàng.
Trong vụ việc này, Tòa án cho rằng Công ty B đã vi phạm hợp đồng với Công ty A về thời hạn giao hàng (thời hạn chậm nhất là đến ngày 15/6/2004). Mặt hàng các bên thỏa thuận là giấy Kraft không thuộc loại hàng hóa có thể bị hư hỏng ngay, hơn nữa thời hạn giao hàng tính đến ngày 20/5/2004 là chưa hết. Lý do Công ty A không nhận hết số hàng nên bên kia phải bán hàng đi để tránh rủi ro là không có cơ sở chấp nhận. Tòa án không chấp nhận biện pháp của Công ty B và bị coi là vi phạm hợp đồng.
Căn cứ vào thời gian giải quyết vụ việc, Tòa án áp dụng BLDS 2005 để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Xét về lý, Tòa án đã vận dụng đúng quy định pháp luật, thời điểm đó chưa chấp nhận sự vi phạm hợp đồng trước thời hạn nên Công ty B là bên vi phạm hợp đồng. Xét về tình, cách giải quyết trên không đảm bảo quyền lợi cho Công ty B khi có căn cứ cho rằng Công ty A không thể nhận hàng của công ty mình. Đặt vụ việc vào thời điểm hiện nay, BLDS 2015 đã được thi hành có quy định tại Điều 425 hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện để giải quyết tranh chấp, đảm bảo lợi ích của Công ty B.
Hiện nay, BLDS 2015 chỉ ghi nhận sự vi phạm trước trong quy định hủy bỏ hợp đồng. Nếu bản án được đề cập ở trên chỉ có thể chấm dứt hợp đồng bằng việc đơn phương thì lợi ích các bên được giải quyết như thế nào? Khi một bên có cơ sở cho rằng bên kia không thể thực hiện hợp đồng đến hạn nên đã tự ý đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và xử lý tài sản là đối tượng giao dịch giữa hai bên nhằm tránh khỏi những thiệt hại không đáng có thì nên căn cứ vào tình huống cụ thể để xem xét chấp nhận sự đơn phương của một bên. Đặc biệt những hợp đồng có giá trị lớn như hợp đồng liên quan đến bất động sản thì các bên luôn theo dõi hành vi của đối tác từ đầu cho đến cuối hợp đồng nên sự vi phạm trước thời hạn các bên dễ dàng nắm bắt. Do đó, nếu không được xử lý thỏa đáng về vấn đề vi phạm trong tương lai thì quyền lợi các bên không bảo đảm.
Như vậy, yêu cầu đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng của một bên khi nghĩa vụ chưa đến hạn sẽ không được Tòa án chấp nhận cho dù mức độ rõ ràng của việc không thực hiện đến hạn như thế nào. Trong nhiều trường hợp, hoãn thực hiện nghĩa vụ là chưa đủ hoặc không phù hợp để giải quyết vi phạm hợp đồng đã được dự báo trước. Việc hoãn thực hiện nghĩa vụ vẫn chưa có quy định về thời hạn là hoãn tạm thời hay hoãn vĩnh viễn, thời hạn này sẽ do các bên thỏa thuận hay pháp luật quy định hay bằng một cách nào khác. Hậu quả của việc hoãn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cũng chưa được xác định cụ thể. Đối với trường hợp hoãn tạm thời, sau khi hết thời hạn hoãn nếu bên kia vẫn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng thì bên còn lại sẽ tiếp tục quyền hoãn thực hiện hay sẽ có biện pháp nào khác để bảo vệ quyền lợi của họ? Còn trường hợp hoãn vĩnh viễn, một bên phải đợi đến khi bên kia có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, thời hạn hoãn không xác định. Theo đó, đây là một giải pháp không mang lại lợi ích kinh tế mà còn kéo dài những hợp đồng không có trong tương lai.