Kinh doanh trực tuyến, hướng đi tất yếu cho doanh nghiệp bán lẻ

Thương mại điện tử, mạng xã hội phát triển là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ chuyển dịch và mở rộng kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Năm 2020 thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tới năm 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ chuyển dịch và mở rộng kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Đáng chú ý, theo Vietnam Internet Statistics 2020, Việt Nam có hơn 68 triệu người sử dụng mạng xã hội và đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Đó là lý do để hơn bao giờ hết, các DN bán lẻ, bán hàng trực tuyến (online) hoặc DN kinh doanh truyền thống tại Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, marketing để phát triển chuyên sâu mô hình và phương thức kinh doanh online.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào nhìn nhận, dưới tác động của đại dịch Covid-19, các DNVVN cần nhanh chóng chuyển đổi số và thiết lập thương mại đa kênh, cùng lúc đảm bảo các kênh thanh toán được bảo mật và phát triển mạnh mẽ.

“Visa cam kết hỗ trợ DN thông qua nhiều chương trình kinh doanh thiết thực, bao gồm các kỹ năng kinh doanh thực tiễn là nền tảng kiến thức miễn phí, giúp DN kinh doanh thành công. Các ưu đãi của Visa và đối tác dành cho DN nhằm tăng cường hiệu quả vận hành, hướng tới mục tiêu kinh doanh bền vững”, bà Dung nói.

Hướng đến hỗ trợ DN và người kinh doanh bằng các giải pháp bán hàng đa kênh, giúp cho người bán hàng có thể tạo ra sự tăng trưởng từ việc bán hàng trên tất cả các kênh, đặc biệt là bán hàng online, bà Trần Thị Thùy Dương, trưởng phòng Digital Marketing, Công ty CP Sapo cho biết, tất cả những sản phẩm mà Sapo hướng đến đều hỗ trợ người kinh doanh có thể tạo ra sự tăng trưởng từ việc bán hàng đa kênh, đặc biệt là kênh bán hàng online.

Trong đó, việc xây dựng 1 website TMĐT phải đạt được mục đích của người có nhu cầu chính là giúp bán được hàng hóa. Do vậy, việc đầu tiên của 1 website TMĐT sẽ là phải tạo ra 1 hệ thống, giúp khách hàng có thể tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO).

“Hiện nay, lượng người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để truy cập website TMĐT rất nhiều, do vậy tất cả những thư mục liên quan đến việc mua hàng phải là công cụ bắt buộc, giúp người tiêu dùng khi vào website có thể dễ dàng mua được hàng. Website TMĐT ngoài các nút tìm kiếm, mua hàng còn phải cung cấp công cụ Pay giúp người tiêu dùng có thể thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, website TMĐT còn phải có tính năng kết nối Google My Business giúp người mua, người bán có thể dễ dàng xác minh danh tính, thông tin của DN trên Google”, bà Dương cho biết.

Kinh doanh trực tuyến phải là một hệ sinh thái

Tạo ra thói quen mua và có công cụ tốt để bán hàng được hàng hóa là tiêu chí của nhiều DN bán lẻ. Nhưng một giao dịch thành công còn phụ thuộc vào khâu trung gian, đó là việc vận chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp đến khách hàng. Trong TMĐT, uy tín của các DN chuyển phát hàng hóa hơn luôn là mối quan tâm của bên bán cũng như bên mua hàng.

Bà Đặng Hải Ngọc, Phó Tổng giám Đốc EMS Việt Nam cho rằng, các DN bán lẻ bằng hình thức TMĐT cần tìm hiểu và triển khai dịch vụ hoàn tất đơn hàng, điều này nhằm mang lại lợi ích cho cả người bán và người mua. “Dịch vụ hoàn tất đơn hàng giúp khách hàng tiết kiệm tối đa chi phí vận hành và quản lý kho hàng; tăng tốc độ giao hàng cũng như phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh sau bán hàng. Khách hàng chỉ cần tập trung nguồn lực vào các hoạt động bán hàng để kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất”, bà Ngọc lưu ý.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, DN bán lẻ phải coi kinh doanh trực tuyến là một hệ sinh thái mới có thể bán được hàng. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), câu chuyện để các DN bán lẻ muốn kinh doanh trực tuyến không chỉ đơn giản là xây dựng 1 website hay phát triển 1 ứng dụng. Nếu chỉ xây dựng 1 website TMĐT để bán hàng tốt thì cách đây 10 – 15 năm sẽ rất đơn giản, nhưng thời đại ngày nay, công cụ bán hàng cần gắn kết nhiều thứ với nhau như tương thích với nền tảng di động, giải pháp thanh toán, hỗ trợ vận chuyển… cho nên phải coi kinh doanh trực tuyến là một hệ sinh thái thì mới có thể bán được hàng.

“Trong thời đại ngày nay, không DN nào có thể tự mình đứng ra làm được tất cả mọi việc để kinh doanh trực tuyến thành công, nhưng 1 người bán hàng lại phải tiếp thu tất cả những kiến thức và nền tảng về TMĐT mới bán được hàng. Chính vì vậy cần có 1 chương trình thúc đẩy kinh doanh trực tuyến cho DN, tạo ra một hệ sinh thái với sự kết hợp của nhiều DN với nhau, có sự đầu tư nhiều nguồn lực để tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả”, ông Hưng chỉ rõ.

BÁO ĐIỆN TỬ VOV​