Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp họp trao đổi về các nội dung công việc tổ chức Diễn đàn: "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2022

Thực hiện Quyết định số 1901/QĐ-BTP ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ban hành Kế hoạch tổ chức Diễn đàn: “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2022, ngày 28/9/2022, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (Chương trình HTPLLN) đã phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, đ/c Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV - Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Công ty cổ phần truyền thông ALO Media tổ chức họp trao đổi, thảo luận về các nội dung công việc tổ chức Diễn đàn: “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2022.

Phát biểu tại buổi họp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đ/c Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh: trên cơ sở Kế hoạch đã ban hành cần tổ chức Diễn đàn theo tên chủ đề: “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, nội dung cần tập trung trao đổi, thảo luận vào 2 nội dung quan trọng là: Ổn định kinh tế vĩ mô và thách thức, giải pháp cho doanh nghiệp. Đồng thời xác định từ 1-2 từ khóa cho từng chuyên đề theo Kế hoạch như: lựa chọn điền hình các vấn đề vướng mắc để doanh nghiệp trao đổi hoặc ví dụ thực tiễn áp dụng về thuế, đất đai…
Đ/c Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp (phải)
Cũng tại buổi họp, đ/c Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV - Đại biểu Quốc hội Khóa XV cũng nêu rõ: trong quá trình tham gia các Diễn đàn khác, chủ yếu khó khăn trong việc tổ chức và vận hành Diễn đàn như: dự kiến Ban Cố vấn (trường hợp vắng mặt thì ai thay thế), khách mời tham dự, thời gian tổ chức các cuộc họp trao đổi trước Diễn đàn mời các Ban tham dự… Về nội dung, chia theo 2 chuyên đề và tên theo chuyên đề hợp lý nhưng cần lưu ý một số vấn đề sau: tiếp cận gói hỗ trợ chủ yếu là đã thực thi các gói nào và doanh nghiệp đã được hỗ trợ chưa đồng thời những thách thức mới trong kinh doanh, Chính phủ đã và đang làm như thế nào để doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Xây dựng clip cho mỗi chuyên đề khó khả thi thực hiện được do quá trình triển khai và quy định của pháp luật nên nội dung xây dựng vào vấn đề thực thi cần xem xét lại.
Đ/c Phan Đức Hiếu (phải) và Ông Cao Thế Anh (trái) tại cuộc họp
 
Phát biểu tham gia ý kiến đóng góp, đại diện Công ty cổ phần truyền thông ALO Media, Tổng Giám đốc Cao Thế Anh nhất trí với các ý kiến chỉ đạo thực hiện và có 02 ý kiến: (1) về phân công nhiệm vụ của mỗi bên cần có bảng phân công cụ thể để thực hiện (2) đề xuất các Ban và Tiểu ban đã dự kiến tham gia họp thống nhất nội dung công việc.
 
 
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đ/c Nguyễn Thanh Tú đồng ý với các ý kiến góp ý, bổ sung và cũng cơ bản thống nhất và khẳng định các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, cách thức tổ chức thực hiện Diễn đàn. Đồng thời có chỉ đạo cụ thể như sau: (1) đối với Văn phòng Chương trình lập Công văn gửi các Bộ ngành tham gia vào Ban Tổ chức và lập Công văn xác định khó khăn, vướng mắc pháp lý cụ thể, các vụ việc cần giải quyết trong Diễn đàn: “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2022; (2) đối với Công ty ALO Media, làm kế hoạch chi tiết các công việc trong việc tổ chức Diễn đàn, các vấn đề đặt ra. Truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.